Vụ việc bữa sáng của 11 học sinh chỉ có hai gói mì tôm nấu loãng chan với cơm,ủalươngtâxsmb t7 trong khi thực đơn của mỗi em là một gói mì và một quả trứng tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (H.Bắc Hà, Lào Cai), gây chấn động dư luận. Ngay sau vụ việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo rà soát việc tổ chức, thực hiện các bữa ăn cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Liên quan đến bữa ăn của các em, nhà nước vẫn có chính sách cấp tiền ăn theo chế độ bán trú tại Nghị định 116/2016. Chính sách đặc biệt nhân văn này ra đời nhằm hạn chế tối đa tình trạng học sinh vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn bỏ học. Nhà nước lo việc ăn, việc ở nhằm giảm gánh nặng cho các gia đình, động viên các em từ nhỏ đã phải học tập xa nhà.
Cách đây ít ngày, PV Thanh Niêncó chuyến công tác lên H.Mù Cang Chải (Yên Bái), đến một số trường phổ thông dân tộc bán trú, tận mắt chứng kiến cảnh cả nghìn học sinh từ lớp 1 đã ở nội trú tại trường, chấp nhận cảnh sống xa nhà, tự lập.
Các thầy cô ở đây kể rất nhiều em vì hoàn cảnh quá khó khăn, chỉ đi học mới được ăn sáng và bữa cơm có thịt mỗi ngày, còn ở nhà thì những món ăn đó là điều xa xỉ. Những tuần đầu năm học mới (sau 3 tháng nghỉ hè), theo lời các thầy cô, bữa ăn sẽ là thời điểm mà các em học sinh háo hức nhất. Thức ăn vừa đưa ra là hết veo vì ở nhà các em chỉ ăn cơm với rau, với muối…
Một thầy hiệu trưởng ở Mù Cang Chải tâm sự với PV: "Chưa cần có tấm lòng cao siêu, chúng tôi là những người hiểu rõ nhất học trò của mình đói, khổ thế nào nên có thêm động lực và tự nhủ phải làm tốt hơn công việc của mình trong việc tổ chức nội trú cho các em".
Chỉ có những người vô lương tâm mới coi việc các em đói khổ quen rồi, được ăn đủ no đã là tốt lắm và cho phép mình cắt xén phần thịt, cá trong mỗi bữa ăn của trẻ. Hành vi đó là không thể chấp nhận và không có gì để bao biện.
Song, dù là bữa ăn hay bất cứ công việc gì, đặc biệt liên quan tới sức khỏe của các em học sinh, ngoài lương tâm cũng cần cảnh báo về quy trình giám sát, tổ chức nội trú đã đủ chặt chẽ, bài bản chưa.
Lâu nay, việc kiểm tra bữa ăn bán trú thường phổ biến với các cơ sở giáo dục mà phụ huynh là người đóng tiền cho bữa ăn, hơn là so với các cơ sở được nhà nước tài trợ. Đã đến lúc, dù tiền do nhà nước chi trả, nhưng phụ huynh cũng cần được tham gia vào quy trình giám sát thường xuyên và đột xuất việc tổ chức bữa ăn của con em tại trường. Dân chủ trong trường học cần được thực thi để không còn "những ông quan trong trường học" tự tung, tự tác.
Sau vụ việc kể trên, Sở GD-ĐT Lào Cai đề nghị các trường lắp camera giám sát nơi chế biến thức ăn, nơi chia suất ăn và nơi ăn của học sinh. Điều này rất cần nhân rộng không chỉ ở một địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh quy trình, thiết bị giám sát thì quan trọng nhất vẫn là "camera" trong lương tâm của mỗi người được giao quyền, giao tiền ngân sách để tổ chức bữa ăn cho học trò. Làm sao để tiền ấy, quyền ấy được trao vào tay những người mà lương tâm của họ không cho phép, dù chỉ trong ý nghĩ, "ăn" vào bữa ăn của học trò vốn đã rất đói, rất khổ.